Bộ vi xử lý Intel hẳn đã rất quen thuộc với người dùng laptop và PC. Tuy nhiên, với số lượng chip ra hàng năm nhiều vô số kể, bạn đã hiểu hết được những thông số cần thiết thông qua tên của từng sản phẩm chip Intel chưa? Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu, giải mã tên, ký hiệu, hậu tố của CPU Intel đơn giản, dễ hiểu nhé.
I. Giới thiệu các dòng CPU Intel
1. Intel Core
Intel Core là dòng vi xử lý dành cho laptop và PC do Tập đoàn Intel sản xuất và phân phối. Đây là dòng chip xử lý được sử dụng phổ biến nhất của hãng này, phân bổ từ trung cấp đến cao cấp. Tính đến tháng 3/2021, Intel hiện đang phân phối các dòng chip Core như sau: Core i3, Core i5, Core i7, Core i9 và Core X-series dành cho PC.
Tùy vào phân khúc sản phẩm khác nhau, Intel Core i được thiết kế, sản xuất với hiệu năng xử lý khác nhau. Hiện Intel có 4 dòng chip Core i với hiệu năng tăng dần: Core i3, Core i5, Core i7 và Core i9.
Phiên bản đầu tiên của dòng Intel Core – Core Solo và Core Duo – ra mắt lần đầu tiên vào tháng 1/2006. Qua quá trình nâng cấp và cải tiến về công nghệ, cũng như quy trình sản xuất và thiết kế, hiện tại dòng chip Intel Core đã ra mắt đến dòng sản phẩm Core i thế hệ thứ 11.
Các dòng sản phẩm:
Intel Core i3
Dòng sản phẩm vi xử lý Intel Core i3 là sản phẩm dành cho phân khúc phổ thông. Các loại chip Intel Core i3 ban đầu có 2 nhân, được hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading. Tuy nhiên, các dòng Core i3 thế hệ trước lại không sở hữu Turbo Boost cho phép tự động ép xung vi xử lý khi chạy tác vụ nặng, nghĩa là với tác vụ thông thường sẽ chạy tốc độ thấp để tiết kiệm pin và tăng xung nhịp xử lý ở các tác vụ nặng. Vì thế, Intel Core i3 thường được sử dụng cho những chiếc laptop hay PC giá rẻ, hiệu năng tầm thấp, xử lý ổn với các tác vụ đơn giản, làm việc văn phòng nhẹ nhàng.
Năm 2017, Intel Core i3 thế hệ thứ 8 đã ra mắt với thông số 4 nhân 4 luồng, cho tốc độ xung nhịp lên tới 4GHz, giúp máy tính của bạn làm được nhiều việc, xử lý nhiều tác vụ cùng một lúc. Ngoài ra, Intel Core i3 thế hệ thứ 8 còn được trang bị công nghệ Intel Turbo Boost, cùng với Smart cache lên tới 8MB đã góp phần nâng cao sức mạnh xử lý.
Cho đến hiện tại, dòng vi xử lý Intel Core i3 mới nhất (thế hệ thứ 11) đã có nhiều cải tiến, cho tốc độ xử lý nhanh và tiết kiệm năng lượng, giúp bạn thực hiện các tác vụ cơ bản trên các ứng dụng văn phòng như Word, Excel, Powerpoint hay lướt web, giải trí đều rất mượt mà.
Intel Core i5
Tiếp đến là Intel Core i5, một dòng sản phẩm trung cấp đến từ Intel. Các bộ vi xử lý Core i5 dành cho PC ban đầu có 4 nhân và sở hữu công nghệ Turbo Boost, tuy nhiên lại không có Hyper Threading. Còn sản phẩm Core i5 dành cho Laptop ban đầu chỉ có 2 nhân nhưng tất cả đều có cả công nghệ Turbo Boost và Hyper Threading. Sau này, khi công nghệ cải tiến, số nhân của chip Core i5 đã tăng lên đến 6 nhân hoặc hơn.
Intel Core i5 thường xuất hiện trên các dòng laptop tầm trung và khả năng xử lý mạnh mẽ hơn so với Core i3. Core i5 xử lý mượt mà những tác vụ đơn giản cũng như đa tác vụ, xử lý đồ họa và chơi game khá trơn tru.
Dòng sản phẩm vi xử lý Intel Core i5 thế hệ 11 mới ra mắt gần đây được Intel tích hợp nhân đồ họa thế hệ mới Intel Iris Xe. Nhờ đó, hiệu năng xử lý đồ họa tăng đáng kể, tốc độ xử lý hình ảnh nhanh hơn gấp 2,7 lần, chỉnh sửa video nhanh hơn gấp đôi.
Intel Core i7
Intel Core i7 là dòng chip cao cấp, thường được sử dụng cho các laptop cao cấp – sang trọng hay các laptop chơi game cấu hình khủng với hiệu năng mạnh mẽ cùng các công nghệ hiện đại. Tất cả các sản phẩm Intel Core i7 đều sở hữu cả 2 công nghệ Turbo Boost và Hyper Threading. Core i7 trên các máy tính thế hệ trước thường có 4 hoặc 6 nhân. Tương tự, Core i7 trên laptop thế hệ trước có 2 hoặc 4 nhân tùy sản phẩm. Hiện nay, Intel đã nâng cấp và cải tiến Core i7 với nhiều nhân hơn sản phẩm đời đầu.
Intel Core i7 thế hệ 11 mới nhất mang đến hiệu năng vượt trội, mạnh mẽ, khả năng xử lý đa nhiệm mượt mà. Người dùng có thể thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc trên các phần mềm office… tăng hiệu suất lên 20% đối với các công việc văn phòng. Ngoài ra, Intel Core i7 thế hệ 11 đủ sức chạy mượt mà các thao tác đồ họa “nặng” như: xuất video, chỉnh sửa ảnh 3D,… nhờ được sản xuất dựa trên 11 lõi xử lý Willow Cove với tiến trình 10 nm SuperFin.
Intel Core i9
CPU Intel Core i9 là dòng chip xử lý mạnh mẽ nhất của dòng Intel Core, được thiết kế dành riêng cho những chiếc laptop chơi game với đồ họa cao và những cỗ máy dành cho những người dùng chuyên làm các công việc sáng tạo – những người cần sức mạnh xử lý mạnh mẽ nhất như thiết kế đồ họa, chỉnh sửa video,…
Dòng chip Intel Core i9 được hỗ trợ bộ nhớ DDR4 và 4 khe RAM (Quad-channel), cho tốc độ lên đến 2666Hz, nhanh hơn đáng kể so với chip Core i7 cùng thế hệ. Hiện nay, những thông số này đã được Intel nâng cấp mạnh mẽ hơn rất nhiều. Intel Core i9 là dòng chip đầu tiên được tích hợp công nghệ Intel Turbo Boost Max Technology 3.0 thế hệ mới. Tốc độ xử lý của Core i9 được đánh giá là nhanh hơn 10-15% so với bản cao cấp nhất trước đó, xử lý mượt mà khi đa tác vụ cũng như khi sử dụng những phần mềm đồ họa như Photoshop, Illustrator,…
Các thế hệ CPU Intel Core:
2. Intel Pentium
Chip Intel Pentium là dòng chip tầm trung của Intel dành cho cả laptop và PC. Intel Pentium được sản xuất ở quy trình 22nm, thường có 2 nhân xử lý và một số ít có 4 nhân với xung nhịp dao động từ 1,1 GHz đến 3,5 GHz. Tuy nhiên, dòng chip này lại không sở hữu công nghệ Turbo Boost và Hyper Threading.
Thiết bị được lắp ráp chip Intel Pentium sẽ có hiệu năng ổn định, một số sản phẩm khá tiết kiệm pin, thao tác mượt mà với một mức giá dễ chịu. Những sản phẩm này phù hợp với người dùng có nhu cầu sử dụng đơn giản, nhẹ nhàng như xử lý các phần mềm, tài liệu văn phòng cũng như xem phim, nghe nhạc, lướt web,.. Về sau, khi chip Intel Pentium đã được cải tiến lên thế hệ Haswell thì dòng CPU này lại được tăng cường thêm khả năng siêu tiết kiệm pin nhưng hiệu năng vẫn ổn định.
Intel Pentium ra đời vào năm 1993 nhưng đến năm 1994 mới chính thức tung ra thị trường. Các thế hệ chip Pentium lần lượt cải tiến công nghệ qua từng năm như Pentium II (1997), Pentium III (1999),… Cho đến năm 2000, Intel ra mắt sản phẩm chip Intel Pentium IV với tốc độ xung nhịp vượt trội lên đến 1,4GHz – 1,5GHz, đánh dấu cho sự phát triển của những dòng chip tầm trung thời bấy giờ. Đáng tiếc là vào năm 2015, dòng chip Intel Pentium này đã bị Intel khai tử.
3. Intel Celeron
Intel Celeron được xem là phiên bản rút gọn của chip Intel Pentium nhằm hạ giá thành. Intel Celeron cho hiệu năng khá thấp, có số bóng bán dẫn và bộ nhớ Cache ít hơn Pentium. Và tất nhiên, dòng chip này cũng không sở hữu những công nghệ hiện đại như Turbo Boost hay Hyper Threading.
Do hiệu năng và tốc độ xử lý khá thấp, Intel Celeron thường xuất hiện ở những dòng máy tính học tập – văn phòng giá rẻ, phù hợp với học sinh, sinh viên, hoạt động ổn với những tác vụ đơn giản, xử lý công việc văn phòng như soạn thảo văn bản trên Word, Excel,… và xem phim, lướt web, nghe nhạc,…
Tuy nhiên, hiện nay chip Celeron đã được nâng cấp lên thế hệ Haswell. Intel Celeron Haswell được định hướng sử dụng trên laptop giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng ổn định.
Intel ra mắt sản phẩm chip Intel Celeron lần đầu tiên vào năm 1998, là phiên bản rút gọn của Intel Pentium II với mục đích giảm giá thành sản phẩm. Các thế hệ Intel Celeron sau này vẫn dựa trên cấu trúc của các dòng Intel Pentium III, Pentium IV và Intel Core i nhưng ít bóng bán dẫn và bộ nhớ cache hơn.
4. Intel Xeon
Bộ vi xử lý Intel Xeon nhắm đến đối tượng là các doanh nghiệp cần sử dụng máy tính có tính ổn định cao để làm máy trạm hoặc server. Intel Xeon sở hữu nhiều lõi CPU (tối đa 56 lõi), bộ nhớ đệm L3 cache cao (khoảng 15 – 30MB) từng dòng, độ bền cao. Bộ vi xử lý này có sẵn công nghệ phân luồng, hỗ trợ RAM ECC giúp phát hiện và sửa lỗi hệ thống tự động. Với Intel Xeon, người dùng có thể chạy nhiều CPU cùng một lúc hoặc 1 CPU đều được. Vì sử dụng cho môi trường doanh nghiệp và cần độ ổn định cực cao nên giá thành cho những chiếc CPU này thường khá cao.
CPU Intel Xeon được sản xuất vào năm 2013, đến nay Intel Xeon có các dòng với 3 dòng Xeon E, Xeon W và Xeon D, Xeon Mở rộng.
II. Cách đọc tên CPU Intel
Tất cả các sản phẩm CPU Intel đều có một quy ước đặt tên nhất định. Chúng biểu thị nhiều ý nghĩa và thông số về sản phẩm. Với Intel, công thức đặt tên sản phẩm như sau: Tên thương hiệu – Dòng sản phẩm – Số thứ tự thế hệ CPU – Số ký hiệu sản phẩm (SKU) – Hậu tố (Đặc tính sản phẩm).
1. Tên Thương hiệu
Cách đặt tên sản phẩm của Intel bắt đầu bằng thương hiệu của bộ xử lý – dòng sản phẩm tổng thể mà bộ xử lý được tạo ra.
Ví dụ: Intel Core, Intel Pentium, Intel Celeron và Intel Xeon.
2. Dòng sản phẩm
Với mỗi loại chip, sẽ có nhiều dòng sản phẩm khác nhau tùy vào phân khúc đối tượng mà Intel nhắm đến.
Ví dụ:
CPU Intel Core i có 4 dòng sản phẩm với hiệu năng từ thấp đến cao: i3, i5, i7, i9.
CPU Xeon có các dòng như Xeon E, Xeon W, Xeon D, Xeon Platinum, Xeon Gold, Xeon Silver, Xeon Bronze…
3. Số thứ tự thế hệ CPU
Các sản phẩm bộ vi xử lý của Intel đã trải qua 11 thế hệ, thế hệ mới nhất chính là thế hệ 11. Qua từng thế hệ, các sản phẩm của Intel sẽ được nâng cấp và cải tiến về công nghệ, tính năng, thiết kế cũng như hiệu năng.
4. Số ký hiệu sản phẩm (SKU)
Số ký hiệu sản phẩm (SKU) đại diện cho hiệu năng của sản phẩm khi so sánh cùng thế hệ và cùng dòng. Điều này thể hiện qua tốc độ xung nhịp của vi xử lý.
Ví dụ: Core i7-8700 tốc độ xử lý sẽ mạnh hơn Core i7-8565.
5. Hậu tố (Đặc tính sản phẩm)
Viết bình luận