NVME – ĐỊNH NGHĨA LẠI KHÁI NIỆM Ổ CỨNG THỂ RẮN
NVME Định nghĩa lại ổ cứng thể rắn thế hệ mới
Ổ cứng thể rắn solid state drive (SSD) sau nhiều năm hoàn thiện và giảm giá thành, hiện ngày càng phổ biến hơn và sẽ nhanh chóng thay thế ổ đĩa cơ truyền thống (HDD) trong tương lai gần. Tuy nhiên, các ổ SSD mạnh mẽ này đang va phải “bức tường hiệu năng” do đa số các ổ SSD hiện có trên thị trường vẫn còn sử dụng giao tiếp SATA và giao thức mạch điều khiển AHCI chuẩn vốn được tạo ra để phục vụ nhu cầu truyền chép dữ liệu chậm hơn nhiều của các ổ cứng HDD truyền thống. Và như thế, mặc dù bản thân công nghệ SSD có tốc độ cực nhanh nhưng thực tế nó vẫn bị vướng lại, không thể khai thác hết sức mạnh bởi hiện tượng “thắt cổ chai” (bottleneck) băng thông của giao tiếp SATA.
Một số SSD cao cấp thế hệ sau này được thiết kế để tận dụng lợi thế của giao diện PCI Express (PCIe) tốc độ cao hơn SATA, việc sử dụng chuẩn giao tiếp của mạch điều khiển AHCI trên thiết kế bộ điều khiển vẫn chưa thể khai thác đầy đủ giao tiếp sức mạnh của PCIe. Tình hình càng thêm trầm trọng khi giao diện PCIe đã phát triển tới thế hệ thứ 3 với tốc độ nhanh như tia chớp. Vì thế, các nhà sản xuất đang trông chờ đặc tả mạch điều khiển NVMe thay cho AHCI để hoàn toàn loại bỏ các “nút cổ chai” vốn hạn chế tiềm năng thực sự của SSD.
NVME SSD là gì ?
NVM Express (NVMe) – viết tắt của cụm từ Non-Volatile Memory Express dịch nôm na là bộ nhớ không biến đổi cao tốc, là một giao diện mạch chủ điều khiển (Host controller) chuẩn hiệu năng cao dành cho các ổ cứng SSD có giao tiếp PCIe, cho phép cắm và chạy các SSD PCIe trên tất cả các nền tảng.
Ưu điểm của Ổ cứng SSD NVMe
+ Độ trễ thấp: Khi một bộ điều khiển AHCI thực thi một lệnh, một tác vụ đọc không lưu tạm thời (uncacheable) trên thanh ghi bộ nhớ (register) sẽ dùng mất 2.000 chu kỳ xử lý (cycle) của CPU và có 4 tác vụ đọc không thể lưu vào bộ nhớ đệm trên mỗi lệnh. Điều này đồng nghĩa với 8.000 chu kỳ xử lý của CPU, hoặc khoảng 2,5 millisecond độ trễ mỗi lệnh. NVMe sẽ không bị chậm như vậy vì nó trực tiếp liên lạc với CPU, do đó, bỏ qua tất cả các liên lạc không cần thiết vốn gây chậm trễ.
+ Hiệu năng cao: Độ trễ thấp không phải là lợi thế duy nhất NVMe mang lại, vì giao tiếp này còn cung cấp chỉ số xuất nhập trên giây IOPS (Input/Output Operations Per Second) cao. NVMe có khả năng hỗ trợ lên đến 64K hàng đợi I/O queue xử lý các lệnh xuất nhập, với mỗi hàng đợi I/O hỗ trợ lên đến 64K lệnh, tận dụng đầy đủ khả năng đọc và ghi dữ liệu song song của công nghệ chip nhớ Flash NAND. Trong khi đó AHCI chỉ hỗ trợ duy nhất một hàng đợi I/O với tối đa 32 lệnh một hàng đợi, dẫn đến mức hiệu suất thấp hơn nhiều so với NVMe.
IOPS là gì?
IOPS là tốc độ đọc ghi ngẫu nhiên. Trong quá trình sử dụng, máy tính sẽ phải đọc các tập tin có dung lượng nhỏ như các tập tin cache của trình duyệt diễn ra liên tục. Nếu thông số IOPS lớn thì việc đọc tốc độ các file nhỏ của SSD cũng cao hơn.
Nếu vẫn chưa hiểu về thông số IOPS bạn có thể quy đổi ra chuẩn MB/giây theo công thức sau:
IOPS x 4/ 1024 = tốc độ MB/giây
File làm việc càng lớn, cần tốc độ xuất dữ liệu nhanh, vậy nên ổ SSD NVMe là sự lựa chọn tốt.
Bạn có nên mua ổ cứng SSD NVMe?
Tùy thuộc vào công việc của bạn mà bạn sẽ xác định được việc mình có cần tốc độ nhanh hơn hay không? Dù những ổ NVMe cũng đã dần giảm giá nhưng bạn cũng không cần thiết phải mua chúng để thay thế những ổ SSD SATA đang sử dụng. Nhưng nếu bạn đang muốn lắp đặt một dàn PC mới thì tốt nhất vẫn nên mua ổ cứng SSD NVMe. Đặc biệt là khi giá của các ổ SSD NVMe đang giảm xuống chỉ còn khoảng 150 USD (khoảng 3 triệu đồng) cho phiên bản 500GB.
Thực tế, một ổ SSD SATA vẫn có thể đảm bảo chiếc máy tính của bạn khởi động trong một vài giây, chạy các chương trình trong tích tắc và giúp bạn sao chép hay di chuyển file tương đối nhanh chóng. Nhưng nếu công việc của bạn phải làm việc với nhiều video dung lượng lớn, độ phân giải cao thì việc thêm một chút chi phí để mua một ổ cứng NVMe sẽ là hoàn toàn xứng đáng.
Có thể nói rằng NVMe sắp trở thành chuẩn mực trong tương lai của giao diện chủ đạo dành cho lưu trữ, cùng những tiến bộ của công nghệ Flash NAND và NVMe cũng đang dần thể hiện sức mạnh trong nhiều giao diện khác nhau đa dạng như M.2, PCIe, U.2,…
Viết bình luận